Báo Tin Tức Nhanh Việt Nam
10/10 9999 bình chọn
Chủ nhật - 22/11/2015 11:12     Lượt xem: 192736   
Gửi bài viết qua email Lưu bài viết này In ra

Bí ẩn mồ chôn tập thể lớn nhất Sài Gòn

Hãy like + chia sẻ để cập nhật TIN HOT nhất: 


Vòng xoay Dân Chủ từng là nơi chôn 1.831 người bị vua Minh Mạng ra lệnh xử tử trong cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi 180 năm trước.

icon-new Xuất hiện người Trung Quốc thuê đất trồng dưa hấu giống lạ

Ngã sáu Công trường Dân Chủ, đường 3/2, Cách Mạng Tháng 8 là khu vực sầm uất tại TP HCM với nhà cao tầng san sát, xe cộ tấp nập. Nhưng ít người biết trước đây nó từng là nghĩa địa lớn nhất Sài Gòn với tên gọi "đồng mồ mả". Đây cũng là vị trí được cho là có ngôi mộ tập thể (Mả Ngụy) gần 2.000 người già, trẻ, trai, gái bị xử tử vì tội phản nghịch trong cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi (1833-1835) dưới thời vua Minh Mạng.

Mả Ngụy hay Mả Biền Tru vốn nằm trong vùng đất khá rộng gọi là Đồng Tập Trận - nơi tập trận và diễu binh của nhà Nguyễn (về sau người Pháp đặt tên là Đồng Mồ Mả) ở Gia Định thành ngày xưa. Nhiều câu chuyện ly kỳ, rùng rợn được người xưa đồn đại qua nhiều thế hệ cũng xuất phát từ Mả Ngụy.

Về sự biến Lê Văn Khôi, sử gia Trần Trọng Kim trong cuốn Việt Nam sử lược ghi, khi Tổng trấn thành Gia Định Lê Văn Duyệt vừa mất (năm 1832), quan Bố chính có tiếng tham ác là Bạch Xuân Nguyên xưng phụng mật chỉ truy xét và soi mói đời riêng của ông Duyệt (1833), rồi ra lệnh bắt giam con nuôi của ông là Lê Văn Khôi.

bi-n-mo-chon-tap-the-lon-nhat-sai-gon

Bản đồ người Pháp vẽ năm 1878, Sài Gòn tập trung chủ yếu hai bên đường Impériale (nay là Hai Bà Trưng) về phía rạch Thị Nghè và từ đường Chasseloup Laubat (nay là Nguyễn Thị Minh Khai) về hướng sông Sài Gòn và rạch Bến Nghé. Phía còn lại của hai con đường này là ranh giới của một khu vực rộng lớn gần như không có người ở, được họ đặt tên là Đồng Mả Mồ (Đồng Tập Trận).

Ông Khôi sau đó vượt ngục, tập hợp lực lượng trả thù. Ngày 18/5/1833, ông cùng thuộc hạ vào dinh quan Bố, giết cả nhà Bạch Xuân Nguyên. Gặp quan tổng đốc là Nguyễn Văn Quế đem người đến cứu, nhóm này cũng giết nốt. 

Sẵn đà, Lê Văn Khôi chiếm luôn thành Phiên An (Thành Bát Quái), tự xưng là Đại Nguyên Soái rồi phong quan tước cho các thuộc hạ như một triều đình riêng. Khôi cũng đánh chiếm các tỉnh lân cận. Bị bất ngờ, nên các tỉnh khác nhanh chóng thua trận. Chỉ trong một tháng quân của Khôi đã chiếm được cả 6 tỉnh Nam kỳ lúc đó.

Để bắt Khôi và đám người dưới trướng, triều đình Huế cho hàng chục nghìn quân thủy, bộ vào Nam, bao vây chặt thành Phiên An (do Tả quân Lê Văn Duyệt xây xong năm 1830). Thành xây bằng đá ong, cao và rộng, hào sâu, ở trong thành lại có đủ cả lương thực khí giới nên quan quân đánh thành lần nào cũng bị chết nhiều người, mà không lấy được.

Tháng Chạp năm ấy, Khôi chết vì bệnh phù thủng, con trai là Lê Văn Câu mới 8 tuổi lên thay cha cầm cự. Tuy nhiên, phải vất vả mãi đến 2 năm sau, khi người của Khôi đều đã mệt mỏi, quân triều đình mới hạ được thành và vào bắt giết tất cả 1.831 người, đem chôn vào một chỗ. Sau gọi là Mả Ngụy (giặc, phản loạn) hay Mã Biền Tru. Sáu người cầm đầu thì bị đóng cũi đem về Kinh thành Huế trị tội (án tùng xẻo), trong đó có con trai Lê Văn Khôi.

Sự biến Lê Văn Khôi với kết cục gần 2.000 người bị xử tử (trong khi dân số Sài Gòn lúc bấy giờ còn ít ỏi), chôn cùng một chỗ đã gây kinh hãi cho người dân thành Gia Định suốt một thời gian dài. Khu vực Đồng Tập Trận thường được nhắc lại như một vùng đất của oan hồn, không ai dám bén mảng, dần trở thành một vùng rừng cây rậm rạp rộng lớn giữa trung tâm Gia Định.

bi-n-mo-chon-tap-the-lon-nhat-sai-gon-1

Một phần nhỏ của Đồng Mồ Mả được người Pháp chụp lại. 

Dân Sài Gòn thời bấy giờ mỗi khi cúng cô hồn thường làm bánh màu xanh, đỏ dành cho "đầu lĩnh" Lê Văn Câu mới tròn 8 tuổi và trẻ con bị chết oan bởi binh biến Phiên An. Đến tận ngày nay nhiều người già vẫn còn truyền miệng mấy câu thơ về sự biến này. "Chiều giông Mả Ngụy cũng giông/ Hồn lên lớp lớp bềnh bồng như mây/ Sống thời gươm bén cầm tay/ Chết thời một sợi lông mày cũng buông/ Thương thay Mả Ngụy mưa tuôn...".

Nguyên nhân là mỗi khi trời chạng vạng, lập lờ giữa ánh sáng và bóng tối, do có nhiều cây cối rậm rạp, hoang vu nên cả khu vực Mả Ngụy mờ đục như bị phủ một lớp sương. Người xưa đồn đại đó là vong hồn của gần 2.000 người bị chôn tập thể, bắt đầu trồi lên để sống phần của người cõi âm. 

Trong cuốn Địa lý lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh in trong Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh (Tập 1, phần lịch sử), Mả Ngụy được nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu xác định khoảng gần Mô Súng, tức Ngã sáu Công trường Dân Chủ ngày nay.

Ngoài ra, còn một số ý kiến khác về vị trí Mả Ngụy được học giả Vương Hồng Sển dẫn lại trong cuốn Sài Gòn năm xưa. Như ý kiến của ông Lê Văn Phát trong quyển Khảo về Tả quân Lê Văn Duyệt (xuất bản năm 1924 tại Sài Gòn) cho biết Mả Ngụy ở gần trường đua ngựa cũ, thuộc làng Chí Hòa, tại góc đường Thuận Kiều (nay là Cách Mạng Tháng Tám) và Général Lizé (nay là đường Điện Biên Phủ).

Ngoài ra, theo nhận định của ông Đặng Văn Ký cũng được học giả Vương Hồng Sển dẫn lại, Mả Ngụy ở khoảng bệnh viện Bình Dân (thuộc quận 3), từ đường Lê Văn Duyệt (nay là Cách Mạng Tháng Tám) vào Chợ Lớn (thuộc quận 5) nằm phía tay phải đường Điện Biên Phủ ngày nay, tức phía đối diện với bệnh viện.

Dù còn nhiều ý kiến khác nhau về vị trí, song nhìn chung Mả Ngụy cũng chỉ quanh quẩn ở khu vực Ngã Sáu Công trường Dân Chủ - giới hạn bởi 3 con đường Cách Mạng Tháng 8, 3 tháng 2 và Điện Biên Phủ.

bi-n-mo-chon-tap-the-lon-nhat-sai-gon-2

Vòng xoay Dân Chủ ngày nay là giao lộ của các tuyến đường Võ Thị Sáu - Lý Chính Thắng - 3/2 - Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Phúc Nguyên - Nguyễn Thượng Hiền. Ảnh: VOV giao thông

Trong khi đó, theo nhà văn Sơn Nam - Ông già Nam Bộ - tên gọi Mả Nguỵ có thể do buổi đầu dân còn sợ vua Minh Mạng. Nhưng lịch sử đã qua hơn 150 năm, người chết rồi thì ai cũng như ai, xoá bỏ đi những bất đồng, tranh chấp. Về sau, không ai còn gọi "Mả Nguỵ" nữa mà gọi là Đồng Mả Lạng, theo nghĩa mất dấu vết vì thời gian. Xưa kia, người Pháp gọi "cánh đồng mồ mả" vì có quá nhiều mồ mả (Plaise Des Tombean).

Cũng theo cố nhà văn, trên đường Cao Thắng (quận 10), dân địa phương tự phát đề cao một ngôi đình làng (không được sắc phong) nhằm mục đích hương khói, thờ cúng những người chết đã dám đứng vào hàng ngũ của Lê Văn Khôi. Ngày xưa, các vị đó rơi vào hoàn cảnh khó xử đã chết, không bia mộ, mồ mả tập thể bị san bằng, vị trí không rõ ràng, thân nhân thời ấy cũng chẳng biết nơi đâu mà tìm.

Vì vậy, ngôi đình này có thể được xây để thờ những người chết vì tham gia dưới trướng Lê Văn Khôi, nên việc cúng tế cũng khá long trọng, trống chiêng vang rền. Tuy đất đai chật hẹp, những đồng bào lân cận vẫn chừa ra một khoảng đất khá rộng, giữ thể diện xứng đáng với ngôi đình. Bản chất tốt đẹp của người Việt Nam khi đã yêu kính lẫn nhau thì không bao giờ thắc mắc những điều vụn vặt.

Cho tới hôm nay, vẫn chưa có bằng chứng nào chắc chắn để có thể xác định vị trí chính xác của Mã Ngụy. Nhưng qua nhiều tư liệu lịch sử, nhận định của các nhà nghiên cứu có thể khẳng định dưới nền những khu phố đông đúc tại khu vực vòng xoay Dân Chủ ngày nay. Và Mả Ngụy vẫn còn là một huyền thoại không mấy thơ mộng, trường tồn với dòng lịch sử của vùng đất Sài Gòn.

Nguồn tin: Báo VnExpress

Bình luận của bạn về bài viết :
Gửi bình luận của bạn
Tên của bạn

Email